READ&SHARE No. 1: CÁI BẮT TAY VÌ CỘNG ĐỒNG CỦA 02 GÃ KHỔNG LỒ XỨ CỜ HOA
Hiện nay, chính phủ và các tổ chức y tế trên toàn thế giới đang dốc sức tìm ra giải pháp cho đại dịch SARS-COVID-2, một đại dịch đã khiến hơn 3,4 triệu người nhiễm và hơn 240 nghìn người tử vong trên toàn cầu tính tới thời điểm này. Không đứng ngoài những nỗ lực của cộng đồng, các nhà công nghệ cũng cùng chung tay chống dịch thông qua việc phát triển các công cụ công nghệ. Giữa tháng 04 vừa qua, hai ông gã khổng lồ Google và Apple đã bắt tay nhau phát triển công nghệ trên nền tảng kết nối Bluetooth nhằm giúp đỡ chính phủ giảm thiểu số lượng ca nhiễm.
Như chúng ta đã biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc lây lan virus là do tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với những người nhiễm bệnh. Những người đã nhiễm, nghi nhiễm cần được phát hiện và cách ly nhằm hạn chế tối đa việc lây lan mất kiểm soát ra cộng đồng. Để làm được việc này, Google và Apple đã cùng nhau đưa ra một giải pháp được gọi là “nền tảng giám sát tiếp xúc”. Giải pháp này cơ bản gồm 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1 :(dự kiến triển khai trong tháng 05/2020):
Người dùng sẽ cài đặt và khai báo tình trạng y tế của mình thông qua các ứng dụng do các cơ quan y tế cộng đồng phát hành. Các ứng dụng này được phát triển dựa trên API (giao diện ngôn ngữ ứng dụng) phát hành bởi Apple và Google. Tuy vẫn còn những quan ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân, nhưng theo hai gã khổng lồ, người dùng có thể yên tâm bởi vì nền tảng này chỉ cho phép những cơ quan y tế cộng đồng được cấp phép sử dụng dữ liệu tiếp xúc này.
Giai đoạn 2: (dự kiến bắt đầu từ tháng 06/2020):
Apple và Google sẽ tích hợp tính năng giám sát tiếp xúc này vào hệ điều hành iOS và Android thông qua các gói cập nhật, để thực hiện trao đổi thông tin tiếp xúc mà không cần qua ứng dụng. Tuy nhiên, để thực hiện khai báo tình trạng sức khỏe của mình lên hệ thống, người dùng vẫn cần cài đặt ứng dụng giám sát từ Google Play và App Store.
==============================================
Nguyên lý hoạt động của nền tảng:
Khi người dùng tải ứng dụng giám sát tiếp xúc về điện thoại, thiết bị này sẽ phát ra tín hiệu Bluetooth và tìm kiếm tín hiệu Bluetooth từ thiết bị của những người dùng khác trong phạm vi lên tới 4,5m. Nếu người dùng tiếp xúc với nhau trong vài phút, điện thoại của mỗi người sẽ lưu lại lịch sử tiếp xúc thông qua các giá trị định danh tại thời điểm đó dưới dạng một đoạn mã trên mỗi điện thoại. Các nhà phát triển ứng dụng từ cơ quan y tế cộng đồng có thể tùy chỉnh về quy định thời gian và khoảng cách này để xác định về trường hợp nào bị coi là nghi nhiễm.
Nếu một người bị chẩn đoán nghi nhiễm COVID-19, người đó sẽ cập nhật tình trạng sức khỏe của mình trong ứng dụng khai báo y tế. Sau đó ứng dụng này ngay lập tức gửi các đoạn mã về thông tin tiếp xúc của người đó trong vòng hai tuần gần nhất tới hệ thống lưu trữ của Google và Apple. Từ các đoạn mã này, hệ thống sẽ tạo ra các giá trị định danh tương ứng và gửi tới người dùng khác trong hệ thống. Nếu giá trị định danh này khớp với giá trị định danh tương ứng trong điện thoại của người dùng nào đó, người đó có thể đã không may mắn trở thành F1, F2 hoặc F3. Sau đó, hệ thống sẽ gửi cảnh báo và thông tin hướng dẫn cần thiết tới những người nghi nhiễm. Dựa trên cảnh báo này, người nghi nhiễm sẽ tự cách ly hoặc đến các cơ quan y tế xét nghiệm, nhằm ngăn chặn việc lây lan ra cộng đồng.
===============================================
BÌNH LUẬN TỪ TAGS:
Mặc dù Apple và Google luôn phát biểu rằng nền tảng giám sát của họ không lấy đi bất kỳ dữ liệu cá nhân nào khác ngoài thông tin “định danh người dùng”, vẫn có ý kiến cho rằng, việc xác định lịch sử tiếp xúc của người dùng chỉ cần thông qua địa chỉ IP. Theo TAGS, việc này dường như không khả thi, vì chỉ địa chỉ IP thì chưa đủ căn cứ về khoảng cách và thời gian để xác định người dùng bị nghi nhiễm COVID-19.
Nguyên lý hoạt động của nền tảng đã được Apple và Google chia sẻ tương đối rõ ràng. Diện tích phủ sóng của nền tảng là rất lớn khi hầu hết người dùng trên thế giới sử dụng hệ điều hành iOS và Android. Tuy nhiên, theo quan điểm của TAGS nền tảng này có thực sự khả thi khi các vấn đề dưới được làm rõ:
(i) Apple và Google sẽ kiểm soát ứng dụng giám sát tiếp xúc của bên thứ 03 truy cập dữ liệu người dùng qua Bluetooth như thế nào, liệu những rò rỉ thông tin cá nhân đã từng xảy ra với Facebook trong quá khứ có bị lặp lại hay không?
(ii) Để đảm bảo hiệu quả, tín hiệu bluethooth cần bật và quét liên tục và ứng dụng cần xử lý dữ liệu 24/07, vậy vấn đề tiêu thụ năng lượng pin sẽ được giải quyết ra sao?
(iii) Với quy định luật pháp khác nhau về bảo mật thông tin của các nước, ứng dụng có được phép áp dụng trên toàn thế giới?
(iv) Những thông tin thu thập được liệu có được sử dụng cho mục đích chính trị hay không?
Hãy chia sẻ với TAGS về những suy nghĩ và thông tin của các bạn thông qua các comments phía dưới nhé!
=== TAGS TEAM ===
(Hết phần 1)
Link tham khảo:
https://www.electronicsweekly.com/news/apple-google-partner-covid-19-contact-tracing-technology-2020-04/
https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-04-13/apple-google-covid-19-contact-tracing-to-require-verification
https://www.apple.com/newsroom/2020/04/apple-and-google-partner-on-covid-19-contact-tracing-technology/
https://www.wired.com/story/apple-google-bluetooth-contact-tracing-covid-19/

